Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nữ giới Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: "Đóng góp của nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á.
Trong Kinh điển, Đức Phật luôn đánh giá cao vai trò, vị trí, đạo đức của người nữ: Đó là người nắm giữ giềng mối tinh thần, tình cảm, văn hóa trong gia đình và xã hội. Lịch sử Phật giáo đã thể hiện rõ vai trò của giáo đoàn Ni giới - một giáo đoàn xuất hiện trong giai đoạn xã hội còn nặng về phân biệt giai cấp, phân biệt giới; một giáo đoàn xuất hiện để phá tan những bất công trong xã hội lúc bấy giờ. Suốt hơn 2.500 năm kể từ khi Phật giáo ra đời, suốt hơn 25 thế kỷ từ ngày thành lập Ni đoàn đầu tiên, người nữ luôn giữ vững và phát huy vai trò trong công cuộc “đưa đạo vào đời”, xiển dương Phật giáo, lan tỏa tinh thần từ bi vào cuộc sống.
Ni giới Việt Nam nói riêng, nữ giới Phật giáo nói chung đã tham gia tích cực vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, hộ quốc an dân, phụng hiến cho cộng đồng… Đặc biệt, không ít nhân vật nữ lưu đã góp phần vào việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia, thông qua các hoạt động Phật sự. Những ngôi trường do các Ni sư người Việt lập ra trên xứ sở quê hương Phật, những bài giảng giáo pháp của các Ni lan truyền trên cộng đồng mạng, sự tham gia tích cực của Ni giới và nữ giới Việt Nam vào các diễn đàn, hội thảo khoa học quốc tế của Phật giáo... đã đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập vào sự phát triển chung của Phật giáo thế giới, đặc biệt là cái nôi Phật giáo châu Á. Hằng năm, vẫn có những Ni sư, nữ giới Phật giáo Việt Nam được vinh danh tại các hội nghị, diễn đàn Phật giáo thế giới, được trao tặng các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hòa bình Phật giáo thế giới, Giải thưởng Nữ giới Phật giáo thế giới, đem lại niềm tự hào cho nữ giới và Phật giáo nước nhà. Chính thông qua những hoạt độ của nữ giới Việt Nam trong sự nghiệp phát triển của Phật giáo quốc tế mà thế giới có điều kiện để hiểu hơn về đất nước – con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, bản sắc Phật giáo Việt Nam.
Điều đó cho thấy, đánh giá đúng và ghi nhận kịp thời những đóng góp của nữ giới trong giao lưu và phát triển Phật giáo quốc tế là cần thiết, sẽ góp phần tích cực vào việc khích lệ, cổ vũ nữ giới vững tâm cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho sự phát triển của Phật giáo châu Á. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vai trò của nữ giới trong hoạt động giao lưu và phát triển Phật giáo chưa được biết đến rộng rãi. Những ghi nhận, nếu có, cũng chỉ ở một vài cá nhân nhỏ lẻ, chưa thể hiện đúng đóng góp toàn diện của nữ giới vào các phương diện phát triển và quảng bá hình ảnh Phật giáo Việt Nam ra thế giới.
Nhận thức được điều này, cùng với mong muốn xây dựng một diễn đàn trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu, các Tăng Ni, cư sĩ về vai trò của Nữ giới Việt Nam đối với hoạt động giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hội thảo Đóng góp của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á. Trên cơ sở luận bàn về những đóng góp của Nữ giới đối với hoạt động giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á – cái nôi của Phật giáo thế giới, hội thảo đề xuất những gợi ý, giải pháp để khích lệ nữ giới tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động này, hướng đến mục đích rộng hơn, đó là, nâng cao vai trò của nữ giới trong kết nối, giao lưu, hợp tác quốc tế, mà ở đó Phật giáo là một thế mạnh, đóng vai trò của một “sứ giả hòa bình” thân thiện.
Hội thảo gồm 2 PHIÊN & 9 DIỄN GIẢ trình bày tham luận (dự kiến) cụ thể như sau Phiên 1: Tổng luận về nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu; Phiên 2: Nữ giới Việt Nam - Dấu ấn với Phật giáo châu Á
𝐇𝐨̣̂𝐢 𝐭𝐡𝐚̉𝐨 𝐤𝐡𝐨𝐚 𝐡𝐨̣𝐜: "Đ𝐨́𝐧𝐠 𝐠𝐨́𝐩 𝐜𝐮̉𝐚 𝐧𝐮̛̃ 𝐠𝐢𝐨̛́𝐢 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐨 𝐥𝐮̛𝐮 𝐯𝐚̀ 𝐩𝐡𝐚́𝐭 𝐭𝐫𝐢𝐞̂̉𝐧 𝐏𝐡𝐚̣̂𝐭 𝐠𝐢𝐚́𝐨 𝐜𝐡𝐚̂𝐮 𝐀́"
Thời gian: 08h30 - 11h30, Ngày 04 tháng 04 năm 2025
Địa điểm: Hội trường 3C, Tòa 1B, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.