Thứ hai, 03/03/2025 16:01

Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ

Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung.

Cán bộ phối hợp: ThS. Nguyễn Lê Thy Thương, TS. Đặng Thái Bình, PGS.TS. Đặng Thu Thủy, ThS. Nguyễn Thị Hiên, TS. Nguyễn Đức Trung, ThS. Trần Ngọc Diễm, ThS. Nguyễn Thu Trang, TS. Đồng Thị Thùy Linh, ThS. Lê Thị Thu Thủy.

Nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển nông nghiệp định hướng xuất khẩu, dựa vào nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, các địa phương và các ban ngành liên quan đã nỗ lực nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản, giúp cho quy mô xuất khẩu nông sản tiếp tục được mở rộng, chủng loại hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, các kênh xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Ấn Độ, sản lượng xuất khẩu của chúng ta hiện nay còn thấp, chưa có đủ các cụm xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu quy mô lớn, chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và tiềm năng của thị trường Ấn Độ. Cần phải hiểu đầy đủ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản và tăng cường xuất khẩu nông sản Ấn Độ từ góc độ tổng thể và chiến lược, nắm được những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp phải tại thị trường Ấn Độ và đưa ra các giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đó là mục tiêu và ý nghĩa của cuốn sách Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ do PGS.TS Nguyễn Xuân Trung chủ biên.

Cuốn sách được kết cấu thành ba chương: Chương 1 đánh giá tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ thông qua việc xem xét những nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu giữa hai nước, phân tích đặc điểm và nhu cầu của thị trường Ấn Độ cũng như những điểm mạnh và điểm yếu của hàng nông sản Việt Nam. Chương 2 làm rõ thực trạng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ để chỉ ra hàng hóa của chúng ta đang ở đâu, với số lượng và tình trạng như thế nào trong thị trường này. Chương này chỉ rõ những thách thức mà nông sản Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với những nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Chương 3 đánh giá những triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. Đầu tiên là những giải pháp tháo gỡ cơ chế, chính sách, tiếp đến là các giải pháp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cuối cùng là nhóm các giải pháp mang tính hỗ trợ, từ việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường, cho đến các hỗ trợ pháp lý, kết nối.

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau: Từ góc độ cung cầu thị trường nông sản và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, việc tiếp cận thị trường Ấn Độ đối với nông sản Việt Nam hoàn toàn do lợi thế của sản phẩm của Việt Nam; Từ góc độ thương mại quốc tế: hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng chịu chi phối bởi các qui luật của thương mại quốc tế; các qui định trong hoạt động thương mại quốc tế; và trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ; Từ góc độ của doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, các doanh nghiệp này hỗ trợ gì về mặt cơ chế, chính sách để vượt qua được các rào cản để đưa sản phẩm vào thị trường Ấn Độ. Cách tiếp cận này được triển khai bằng cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.

Cho đến nay, cuốn sách là một trong số rất ít công trình nghiên cứu một cách chi tiết nhất về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Ấn Độ, đối diện một cách trực diện nhất với những khó khăn thách thức mà hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ đặt ra và đề xuất những giải pháp thiết thực, toàn diện nhất.

 

Nguồn: https://book365.vn/sach/1234095_thuc-day-xuat-khau-hang.html

  • Hệ sinh thái công nghiệp 4.0, nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam
  • Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • Giới thiệu sách: Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030
  • Giới thiệu cuốn sách “Khát vọng châu Á:  Tại sao và làm như thế nào để châu Phi đua theo châu Á”
  • Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam
  • Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam
  • Giới thiệu cuốn sách: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động
  • Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf
  • Con đường thoát hạn
  • Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam

Liên kết website