Cuốn sách Tài
nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: nghiên cứu trường hợp
Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam của PGS.TS. Bùi Nhật Quang và PGS.TS.
Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), xuất bản năm 2018,
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội là một cuốn sách chuyên khảo bổ ích cung cấp cho độc
giả cách nhìn mới khi tiếp cận, nghiên cứu về nước dưới góc độ kinh tế học.
Trong thời gian gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu trở thành
mối quan tâm toàn cầu. Vấn đề này làm nảy sinh câu hỏi: sự ấm lên của
trái đất có ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước ngọt trên toàn
cầu, từ đó tác động ra sao đến tăng trưởng và phát triển kinh tế của
các nước trên thế giới. Mặc dù nước là một nguồn tài nguyên quan
trọng, nhưng cách tiếp cận nghiên cứu về nước từ trước tới nay
thường chủ yếu tập trung dưới góc độ an ninh và xã hội. Dưới góc độ
kinh tế, nước chưa được nhìn nhận, đánh giá đầy đủ vai trò và tác động
của nó đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Bài toán
kinh tế về nước còn để ngỏ, và nếu không giải quyết tốt bài toán về
nước sẽ dẫn đến những vấn đề nan giải khác về xã hội, an ninh, xung
đột chính trị. Cách tiếp cận về nước dưới góc độ kinh tế học là
cách tiếp cận mới, đang tạo ra những quan điểm tranh luận rất khác nhau
và chưa thống nhất trên thế giới. Tác động của nước đối với tăng
trưởng kinh tế và phát triển bền vững cũng rất đa chiều. Nước vừa
là yếu tố đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất, khiến hệ thống kinh
tế vận hành thông suốt và hiệu quả. Mặt khác, nước cũng là một lực
lượng kinh tế mang tính hủy hoại, có thể mang lại thảm họa cho con
người thông qua lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa, bệnh tật..., có thể gây
ra đình trệ kinh tế và đói nghèo. Nước còn là lực lượng gây ra tranh
chấp, xung đột giữa các nhóm người sử dụng, giữa các quốc gia, gây
mất an ninh kinh tế - chính trị - xã hội nghiêm trọng, từ đó khiến kinh
tế phát triển đình đốn.
Nói đến khu vực châu Phi và Trung Đông, người ta thường liên
tưởng đến một khu vực sa mạc cằn cỗi, khô hạn và thiếu nước trầm
trọng. Khan hiếm nước đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực này luôn
phải sống trong đói nghèo, bệnh tật, kinh tế kém phát triển và nước đôi
khi còn gây ra các cuộc chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia, các bộ tộc
cùng chia sẻ nguồn lợi về nước. Phần lớn các quốc gia châu Phi và
Trung Đông đều không coi nước là một hàng hóa kinh tế, mặc dù đối với
họ nguồn nước là vàng xanh, là một thứ tài sản vô cùng quý giá. Tuy
nhiên, cũng có các quốc gia đã thực sự tiếp cận nước dưới góc độ
kinh tế, thừa nhận nước là một hàng hóa kinh tế, xây dựng nền kinh tế
nước vận hành theo các nguyên tắc của thị trường, từ đó nước đã có
những đóng góp tích cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - điển
hình là Israel. Cũng có những quốc gia phải chia sẻ quyền lợi và nghĩa
vụ với một dòng sông quốc tế, đó là Ai Cập nằm ở hạ lưu sông Nile,
mỗi năm chỉ được cấp hạn ngạch 55,5 tỷ m3 nước từ dòng sông Nile không hơn
không kém để phát triển kinh tế. Quốc gia này đã có những chiến lược
gìn giữ nguồn nước theo cách riêng của mình để phát triển kinh tế và
cũng tránh được những tác hại rủi ro do thiếu nước gây ra. Cũng có
những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước dồi dào phong
phú, điển hình là Zimbabwe, nhưng quốc gia này đã không biết gìn giữ
nguồn tài nguyên quý giá, và dưới góc độ kinh tế học, Zimbabwe luôn ở
trong vòng luẩn quẩn: đói nghèo - kém đầu tư cơ sở hạ tầng nguồn
nước - gặp rủi ro từ nguồn nước - tăng trưởng kinh tế trì trệ -
đói nghèo hơn. Mỗi quốc gia được nhắc đến trong cuốn sách này là một
mô hình kinh tế đặc biệt, trong đó tài nguyên nước có ảnh hưởng quan
trọng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nhiều thập niên qua.
Mục tiêu của cuốn sách là xây dựng cơ sở lý thuyết về tài nguyên
nước dưới góc độ kinh tế học, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của một
số nước châu Phi - Trung Đông như Israel, Ai Cập, Zimbabwe trong việc sử
dụng tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong bối
cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ
công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam tăng nhanh, phát triển dân số,
ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngọt bị chi phối và ràng buộc rất
lớn với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, thì việc nghiên
cứu các kinh nghiệm quốc tế về tài nguyên nước sẽ đem lại cho Việt
Nam những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong phương thức và thái độ sử
dụng nước hiệu quả phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Về nội dung, ngoài Lời mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo,
cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1: Tài nguyên nước cho tăng trưởng
kinh tế: tiếp cận dưới góc độ kinh tế học.
Chương này bao gồm 4 mục với các nội dung: những khái
niệm cơ bản; đặc điểm kinh tế của tài nguyên nước; đónga góp của tài nguyên nước
cho tăng trưởng kinh tế; một số vấn đề về quan điểm nghiên cứu.
Chương 2: Châu Phi – Trung Đông: Mối liên
hệ giữa tài nguyên nước, đói nghèo, xung đột và phát triển kinh tế.
Chương này tiến hành phân tích những đặc trưng và
thách thức của nguồn tài nguyên nước khu vực châu Phi – Trung Đông, đánh giá mối
quan hệ giữa tài nguyên nước với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở ba quốc
gia điển hinhd trong châu lục này với ba trạng thái khác nhau: Israel: rất khan hiếm nước, vì vậy nước
ngay từ đầu đã được xem là một hàng hóa kinh tế, chính phủ đầu tư nguồn nước hiệu
quả và tác động của nước đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế rất tích cực.
Ai Cập: thừa hưởng hạ lưu sông Nile,
là nước tương đối khan hiếm nước (so với thế giới), nhưng tương đối đầy đủ nước
(so với các nước Bắc Phi) và nước được coi là hang hóa ngay từ đầu, chính phủ tập
trung đầu tư nguồn nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế ở mức trung bình.
Zimbabwe: dư thừa nước so với các nước
châu Phi khác, nhưng nước không được coi là nguồn tài nguyên cần được bảo vệ và
đầu tư khai thác hiệu quả. Do vậy, tác động của nước đối với tăng trưởng và
phát triển kinh tế ở mức thấp.
Chương 3: Israel: vàng trắng và sa mạc nở
hoa.
Israel nằm ở khu vực Trung Đông, rất khan hiếm nước do
phần lớn đất đai là sa mạc, đồng thời có xung đột kéo dài trong lịch sử và hiện
tại với các quốc gia Arab láng giềng. Trong luật pháp Israel, tài nguyên nước
được xem là nguồn tài nguyên quý hiếm, là tài sản quốc gia và được pháp luật bảo
vệ. trong mấy thập niên qua kể từ khi hình thành nhà nước, Israel đã khắc phục
hiệu quả sự khan hiếm nước kéo dài, áp dụng công nghệ cao trong khai thác nguồn
tài nguyên này để phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chương 4: Ai Cập – huyền thoại kinh tế
trên dòng sông Nile.
Ai Cập nằm ở khu vực Bắc Phi, phần lớn lãnh thổ là sa
mạc và bán sa mạc, được thừa hưởng nguồn nước ở hạ lưu sông Nile và cũng luôn
phải chịu những áp lực về sự khan hiếm nước. người dân Ai Cập coi song Nile là
con mắt của minh bởi nó cung cấp tới 88,3% nhu cầu nước sử dụng trong sinh hoạt
và sản xuất. Nước thực sự là nguồn tài nguyên quý giá, được Ai Cập bảo vệ
nghiêm ngặt trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Chương 5: Zimbabwe: quốc gia khát và những
cơn đại hồng thủy.
Zimbabwe được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên
nước, nhưng chính phủ Zimbabwe không đảm bảo được nguồn cung cấp nước cho phát
triển nông nghiệp, tiêu dung nước sạch ở các vùng nông thôn và đô thị, điều đó
đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Zimbabwe. Những
sai lầm trong quản lý đất đai và nguồn nước, cộng them việc không coi trọng nước
là nguồn tài nguyên quý giá ở tại quốc gia lấy nông nghiệp làm chủ đạo đã khiến
Zimbabwe phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng kinh tế.
Chương 6: Tài nguyên nước ở Việt Nam và
bài học từ Israel, Ai Cập, Zimbabwe.
Chương này tiến hành phân tích các nội dung như: Tài
nguyên nước ở Việt Nam; Chính sách khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước
ở Việt Nam; Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam: một
số vấn đề đặt ra; Bài học kinh nghiệm từ các nước châu Phi – Trung Đông; Kiến
nghị chính sách cho Việt Nam.