Thứ năm, 23/05/2019 15:46

Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf

Ngày 27/03/2018 đúng dịp kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giữa hai nước Việt Nam và Ma-rốc (27/03/1961-27/03/2018), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Chuyện Anh Mã” của Abdallah Saaf tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Số 1, Liễu Giai, Hà Nội. Nhờ sự tài trợ, hợp tác và giúp đỡ của Đại sứ quán Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam và Giáo sư Abdallah Saaf, trong vòng 1 tháng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông đã khẩn trương và tích cực dịch, biên tập và xuất bản cuốn sách “Chuyện Anh Mã” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Cuốn sách dài 222 trang bao gồm 10 chương – mỗi chương là một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời của Anh Mã, ngoài phần lời tựa cuốn sách, phần giới thiệu một số bức ảnh chụp minh hoạt chân thực về các hoạt động của Anh Mã tại Việt Nam và phần tài liệu tham khảo.

Anh Mã là tên gọi tiếng Việt do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho ông trong thời gian ông ở Việt Nam, còn tên đầy đủ của ông là M’hamed Ben Aomar Lahrach sinh vào năm 1914 hoặc có thể là 1915, tại Mzirig gần Khouribga ở Ma-rốc.

Chương 1 giới thiệu về nguyên cơ, quá trình tìm hiểu và nghiên cứu đầy khó khăn và đôi khi cảm tưởng như vô vọng của GS Abdallah Saaf về nhân vật Anh Mã.

Chương 2 kể về sinh thời, nguồn gốc và giai đoạn trưởng thành của M’hamed Ben Aomar Lahrach. Ben Aomar sinh ra vào lớn lên trong một gia đình nông dân thuộc bộ tộc Oulad Abdoun của Ma-rốc. Ông có nước da ngăm đen là do bà của ông là một người da đen. Đến tuổi trưởng thành, Aomar rất thông minh, thông thạo cả tiếng Pháp và tiếng Ả Rập và ông đã thi đỗ kỳ thi tuyển rất khó của Cơ quan bưu chính nhà nước Ma-rốc. Sau đó, Aomar đã phải tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và lập một số chiến công tại mặt trận Ý. Đây cũng là giai đoạn Aomar được giác độ lý tưởng cộng sản.

Chương 3 đến chương 5 kể về quá trình hoạt động tích cực và nhiệt huyết của Ben Aomar với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản tại các khu vực, thành phố khác nhau của Ma-rốc như tại Tadla, Casablanca... Ở tuổi 30, Aomar đã trở tành nhân vật quan trọng trong các phong trào của Đảng Cộng sản Ma-rốc.

Chương 6 đến chương 8 kể về hành trình đầy vất vả và nguy hiểm của Ben Aomar đến Việt Nam và quá trình sống, chiến đấu của Ben Aomar tại Việt Nam từ năm 1949 đến năm 1960. Năm 1949, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Ma-rốc đã cử Ben Aomar đến Việt Nam để tập hợp, gây dựng phong trào và tuyên truyền chính trị cho đội ngũ các hàng binh, lính đào ngũ và tù binh người Bắc Phi của quân đội Việt Minh. Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng tại Việt Nam, Ben Aomar đã gặp Camille – vợ mình, người cũng gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò là điều dưỡng viên. Tại Việt Nam, Ben Aomar đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên tiếng Việt là Anh Mã (mã có nghĩa là ngựa) và một tên khác là Maarouf – tên của một chiến sĩ cộng sản Algeria sau này trở thành lãnh đoạn công nhân mỏ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen và vô cùng ấn tượng khi tham gia Quốc tế cộng sản. Với những đóng góp to lớn góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Anh Mã đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng huân chương cao quý nhất và phong hàm “tướng”. Maarouf có công trong việc xây dựng các trại và làng cho những người lính đào ngũ Bắc Phi định cư tại chân núi Ba Vì và tích cực trong việc xây dựng cổng Ma-rốc tại nông trại Ba Vì - một biểu tượng cho tình hữu nghị vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Chương 8 và chương 9 kể về hành trình trở về quê hương, cuộc sống vất vả của Ben Aomar và gia đình tại Ma-rốc cũng như những năm tháng cuối đời của Ben Aomar tại Algeria. Khi trở về quê hương Ma-rốc, Aomar trở lại tham gia các hoạt động công đoàn tuy nhiên với vai trò mờ nhạt và luôn bị theo dõi gắt gao, cuộc sống của gia đình Aomar tại Ma-rốc lúc bấy giờ cũng không lấy gì làm khá giả. Sau khi bị sa thải, Ben Aomar đã chuyển cả gia đình sang Algeria và tham gia phe chính trị đối lập Ma-rốc. Tại Algeria, Aomar mong muốn vận dụng những kinh nghiệm tích lũy từ Việt Nam như chiến thuật chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân để giúp Liên minh các lực lượng nhân dân Algeria (UNFP) giành độc lập giải phóng dân tộc chống lại Thực dân Pháp. Những năm tháng cuối đời, Ben Aomar sống trong bệnh tật và gia đình sống khổ sở do không được chu cấp vì những bất đồng chính trị. Ông ra đi vào ngày 7 tháng 5 năm 1971 theo giấy chứng tử đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo tác giả, “tầm quan trọng và sự tồn tại của M’hamed Ben Aomar Lahrach không chỉ dừng lại trong các hoạt động cách mạng Việt Nam… Người đồng chí cấp vị tướng này đã trở thành một trong những tượng đài vĩ đại vận dụng thành công chủ nghĩa Mác trong khu vực. Đồng thời, ông cũng là một hiện tượng xã hội mang tính cá thể cao, một chân dung điển hình, một mẫu hình chiến sĩ đấu tranh của thế giới thứ ba, là gương mặt đại diện cho giai cấp nông dân, là người anh hùng, nhà lãnh đạo chính trị và quân sự tài ba, cho dù ông phải trải qua những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời trong nghèo khổ, men rượu, bị coi thường và bị người đời lãng quên”.

Nhưng thực sự M’hamed Ben Aomar Lahrach với cái tên Việt Nam “Anh Mã” đã không bị lãng quên nhờ sự nỗ lực nghiêm cứu đáng khâm phục của Abdallah Saaf nhằm tái hiện chân dung và hành trình khác biệt trước và sau của Anh Mã đến Việt Nam. 

Abdallah Saaf đã dành 7 năm để tìm kiếm, điều tra thông tin, chắp vá những tư liệu rời rạc liên quan đến nhân vật chính Anh Mã để trả lời câu hỏi “Liệu nhân vật Anh Mã có thực hay không?”. Sau nhiều năm tiến hành phỏng vấn, gặp gỡ các nhân vật quan trọng có liên quan đến Anh Mã, những binh lính Bắc Phi, đặc biệt được tiếp xúc với những kỷ vật, những bức ảnh chụp của Anh Mã thời gian ở Việt Nam và những tư liệu do bà Camille – vợ Anh Mã cung cấp, Abdallah Saaf đã xây dựng thành công “Chuyện Anh Mã” bằng tiếng Pháp và được Nhà xuất bản L’Harmattan xuất bản vào năm 1999. “Chuyện Anh Mã” hấp dẫn bạn đọc bởi tác giả Abdallah Saaf đã sử dụng lối viết lịch sử, triết lý xen lẫn lối viết tiểu thuyết. Tác phẩm này thực sự là công trình nghiên cứu kỳ công của Abdallah Saaf kết hợp giữa điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về những trải nghiệm của Ben Aomar ở Việt Nam, về một hành trình khác biệt trước và sau khi Ben Aomar đến Việt Nam. Ngoài tác phẩm này, Abdallah Saaf còn khá nổi tiếng với một số tác phẩm khác như: Các bài viết về Ma-rốc (1860-1925) theo quan điểm của K.Max, F.Engels và K.Luxemburg; Đệ tam Quốc tế và Ma-rốc, Nxb Le Contact.Sale, 1986; Những biểu tượng chính trị của Ma-rốc, Nxb Okad, Rabat, 1987; Tri thức và chính trị ở Ma-rốc, Nxb SMER, Rabat, 1992; Theo dòng hồi tưởng, Nxb L’Harmattan, Những bài viết bằng tiếng Ả Rập, Paris, 1993.

Abdallah Saaf hiện là Giáo sư giảng dạy tại Khoa Luật, Kinh tế và Xã hội học của Đại học Mohammed V, Rabat, Ma-rốc. Ông đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội (CERSS) thuộc Đại học Mohammed V, Rabat, Ma-rốc và là Giám đốc Tạp chí Abhath - ấn phẩm chuyên đề khoa học xã hội của Ma-rốc, là tác giả của các công trình nghiên cứu và các tác phẩm về Nhà nước và xã hội của khu vực Bắc Phi.  

Có thể nói rằng “Chuyện Anh Mã” là minh chứng khẳng định tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ của nhân dân Ma-rốc đối với công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chống Thực dân Pháp xâm lược. Chiến dịch Điện Biên Phủ có được sự giúp đỡ và đóng góp của những người con Ma-rốc như M’hamed Ben Aomar Lahrach đã góp phần tạo nên chiến thắng vang dội của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ sát cánh chiến đấu anh dũng bên những người lính Cụ Hồ mà còn có công lớn trong Ban định vận, tuyên truyền và giác ngộ chính trị để những người lính Bắc Phi bỏ vũ khí đầu hàng đi theo quân đội nhân dân Việt Nam.

 “Chuyện Anh Mã” cũng giúp chúng ta hiểu hơn về con người, đất nước và lịch sử đấu tranh của giai cấp nông dân và công nhân Ma-rốc dưới thời thuộc địa Pháp. Qua “Chuyện Anh Mã”, có thể nói rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ma-rốc được hun đúc từ trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, được nuôi dưỡng từ tình hữu nghị giữa những người lính Ma-rốc với người dân Việt Nam trong việc xây dựng các nông trại tại Ba Vì. Sự tồn tại của Cổng Ma-rốc cho đến ngày hôm  nay chính là biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ma-rốc.   

 

  Phạm Kim Huế

 

  • Hệ sinh thái công nghiệp 4.0, nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam
  • Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • Giới thiệu sách: Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030
  • Giới thiệu cuốn sách “Khát vọng châu Á:  Tại sao và làm như thế nào để châu Phi đua theo châu Á”
  • Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam
  • Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam
  • Giới thiệu cuốn sách: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động
  • Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf
  • Con đường thoát hạn
  • Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam

Liên kết website