Thứ sáu, 12/07/2019 12:02

Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam



Cuốn sách Tài nguyên: lời nguyền hay sự thịnh vượng - Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam của PGS.TS. Trần Thị Lan Hương - Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) xuất bản năm 2018, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, là một cuốn sách chuyên khảo bổ ích cung cấp cho độc giả góc nhìn mới về vấn đề quản lý và sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế.

Tài nguyên thiên nhiên được ví như “của trời cho” đối với mỗi quốc gia, là một lợi thế khiến các quốc gia đó có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa trước khi hội tụ đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để cất cánh và trở thành quốc gia giàu có. Tuy nhiên, những nước phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên thường không tránh được những tổn thương của bên ngoài và dễ rơi vào “lời nguyền tài nguyên” nếu như không quản lý tốt nguồn tài nguyên, khai thác bừa bãi, cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và cuộc sống của người dân, mang đến những hậu quả to lớn lâu dài cho xã hội.

“Lời nguyền tài nguyên” là cụm từ được nhắc tới để nói về các quốc gia giàu có tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thất bại trong việc quản lý và làm lợi từ “của trời cho” này, thậm chí một số nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên còn nghèo khổ và có nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả hơn rất nhiều so với các nước không được thiên nhiên ưu đãi. Trên thế giới, đã có rất nhiều nước giàu có đi lên từ nguồn tài nguyên (điển hình như Norway, Mỹ), nhưng cũng có những nước mắc phải các căn bệnh trầm kha từ tài nguyên (điển hình là Căn bệnh Hà Lan, diễn ra ở Hà Lan). Tại các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi, Trung Đông, tài nguyên hiện nay đang là một lợi thế, bởi thế giới ngày càng cạn kiệt về tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quản trị tài nguyên cho phát triển kinh tế đang là vấn đề nan giải đối với hầu hết các nước đang phát triển bởi các nước này hầu hết đều chưa thực hiện cơ chế minh bạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản, dẫn đến tham nhũng trong khai thác tài nguyên, khai thác tài nguyên không bền vững, dẫn đến nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các nước châu Phi giàu có về tài nguyên đều sử dụng “của trời cho” này để mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng tài nguyên không mang lại sự thịnh vượng cần có cho đất nước của họ. Càng khai thác tài nguyên, phân hóa và bất bình đẳng xã hội càng lớn. Càng lệ thuộc vào tài nguyên, nền kinh tế càng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên trong và bên ngoài. Sự thịnh vượng kinh tế là điều các quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên đều hướng tới, nhưng rất tiếc ít quốc gia đang phát triển có thể đạt được điều đó về lâu dài.

Cuốn sách “Tài nguyên: lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam” muốn giới thiệu đến các độc giả về một châu Phi giàu có về tài nguyên, là điểm nóng của các mối quan hệ quốc tế đương đại, ở đó có các quốc gia quản trị tốt nguồn tài nguyên để trở thành con hổ kinh tế (điển hình là Ghana), có các quốc gia được xếp hạng tên tuổi trên thế giới về các tập đoàn khai thác khoáng sản nổi tiếng, là nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản và cũng là quốc gia phát triển bậc nhất châu Phi (điển hình Nam Phi) và có những quốc gia là “rốn dầu” của thế giới nhưng đang phải đối mặt với đói nghèo, xung đột, dịch bệnh, tham nhũng và sự tàn phá môi trường (điển hình là Nigeria). Các quốc gia này đều muốn đưa đất nước mình phát triển thịnh vượng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng kết quả mang lại từ nguồn tài nguyên đó lại rất khác nhau do hiệu quả quản trị tài nguyên của các nước là không giống nhau. Cuốn sách cũng mang lại hàm ý cho Vi t Nam - một quốc gia có nguồn tài nguyên tuy không phong phú nhưng đa dạng, đang cố gắng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng - dựa vào tài nguyên, lao động, đất đai, vốn..., sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu - dựa vào tri thức, công nghệ. Bài học về quản lý nguồn tài nguyên phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế từ các nước châu Phi không bao giờ cũ, bởi nó giúp chúng ta hiểu được rằng: tài nguyên thiên nhiên là vận may của mỗi quốc gia, nhưng để quốc gia đó đi đến sự thịnh vượng không thể coi tài nguyên là vận may vô tận, mà đòi hỏi phải có cách quản lý kinh tế vĩ mô phù hợp, quản trị tài nguyên hiệu quả. Một nước giàu có về tài nguyên không đồng nghĩa nước đó sẽ phát triển thịnh vượng và tránh được đói nghèo, nếu không biết khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan.

Cuốn sách được chia làm 7 chương, làm rõ các vấn đề chính như sau:

Chương 1: Tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên: một số vấn đề lý thuyết. Chương này làm rõ các khái niệm về một nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên, làm rõ nội hàm và biểu hiện của các nền kinh tế đang mắc phải Căn b nh Hà Lan, những biểu hiện và hậu quả của “lời nguyền tài nguyên” đối với các nền kinh tế giàu có về tài nguyên thiên nhiên.

Chương 2: Tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi. Châu Phi là một châu lục giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đang là điểm nóng của các mối quan h quốc tế, là nơi có nhiều cuộc chiến tranh xung đột bắt nguồn từ tài nguyên. Sự giàu có tài nguyên thiên nhiên tập trung ở một số quốc gia, trong từng khu vực (Nam Phi, Đông Phi, Tây Phi, Bắc Phi, Trung Phi). Những nước được coi là có nền kinh tế phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên cũng được tác giả phân loại rõ trong chương này với các biểu hiện cụ thể của từng nước.

Chương 3: Nigeria - nghèo khổ bên những giếng dầu. Nigeria là một đất nước có trữ lượng dầu khí rất lớn, là nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài nguyên trời cho này. Tuy nhiên, tài nguyên đã không mang lại sự phát triển kinh tế lâu dài bền vững cho Nigeria bởi các chính sách quản trị tài nguyên kém hiệu quả. Lời nguyền tài nguyên dường như đang hiện hữu ở quốc gia này với nhiều biểu hiện nghiêm trọng: đói nghèo, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, bất ổn xã hội, tăng trưởng kinh tế thấp và lệ thuộc vào giá dầu, cơ cấu kinh tế không đa dạng, nông nghiệp bị bỏ bễ, bất ổn chính trị, sắc tộc, tôn giáo...

Chương 4: Nam Phi - đất nước của kim cương và ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Sự giàu có về tài nguyên khoáng sản (kim cương, vàng, kim loại quý hiếm...) của Nam Phi thuộc diện bậc nhất châu Phi và trên thế giới. Tài nguyên khoáng sản đã giúp kinh tế Nam Phi phát triển, hình thành cơ cấu kinh tế hi n đại, các tập đoàn kinh doanh lớn trên thế giới. Tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, việc làm, GDP, dự trữ ngoại tệ, đưa Nam Phi trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của châu Phi. Nhưng cũng trong nhiều năm gần đây, tham nhũng và sự không minh bạch đã khiến Nam Phi mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và khó phát triển thịnh vượng và giàu có lâu dài.

Chương 5. Ghana - Con hổ kinh tế châu Phi nhờ tài nguyên. Ghana là nước sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng (dầu mỏ, khoáng sản, cocoa). Đây cũng là đất nước thực hiện chính sách quản lý tài nguyên minh bạch ngay từ rất sớm. Do vậy, tài nguyên có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, giúp Ghana sớm thoát khỏi đói nghèo, giải quyết tốt bất bình đẳng, khai thác tài nguyên hiệu quả, phát triển kinh tế cân đối và trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh diện bậc nhất châu Phi. Ghana đang tiến tới sự thịnh vượng kinh tế nhờ tài nguyên và nhờ các chính sách quản trị tài nguyên hiệu quả nhằm phục vụ phát triển kinh tế lâu dài.

Chương 6. Tài nguyên - lời nguyền hay sự thịnh vượng cho châu Phi. Chương sách đã giải đáp câu hỏi này bằng việc giải quyết các cặp mối quan hệ cụ thể: 1) Tài nguyên và sự thịnh vượng lâu dài; 2) Tài nguyên và thu hút FDI; 3) Tài nguyên và hiệu quả tăng trưởng kinh tế; 4) Tài nguyên và tham nhũng; 5) Tài nguyên và lời nguyền; 6) Tài nguyên và mối quan hệ quốc tế của châu Phi.

Chương 7. Tài nguyên trong phát triển kinh tế của Việt Nam - Bài học từ châu Phi. Việt Nam không phải là quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên trong phát triển kinh tế, nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng của Việt Nam (dựa vào tài nguyên, lao động, vốn) đang tạo ra nhiều hệ lụy trong phát triển bền vững. Chương sách phân tích vai trò của tài nguyên trong phát triển kinh tế của Việt Nam, các bài học kinh nghiệm rút ra từ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên của một số nước châu Phi, kiến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm quản lý tài nguyên hiệu quả phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ấn phẩm “Tài nguyên: lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam”. Hy vọng các thông tin, phân tích, đánh giá và kiến nghị trong cuốn sách sẽ giúp độc giả nhìn nhận rõ ràng và sát thực hơn vai trò của tài nguyên trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam và một số nước châu Phi. Cuốn sách cũng là một lời nhắn gửi đến mỗi bạn đọc về niềm tự hào và ý thức giữ gìn nguồn tài nguyên phong phú của quốc gia - của trời cho không phải quốc gia nào cũng có- vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài.


Tổng hợp: Th.S Lê Bích Ngọc

Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông


 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông số 5/2019


  • Hệ sinh thái công nghiệp 4.0, nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam
  • Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • Giới thiệu sách: Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030
  • Giới thiệu cuốn sách “Khát vọng châu Á:  Tại sao và làm như thế nào để châu Phi đua theo châu Á”
  • Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam
  • Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam
  • Giới thiệu cuốn sách: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động
  • Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf
  • Con đường thoát hạn
  • Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam

Liên kết website