HỘI THẢO “ĐÓNG GÓP CỦA NỮ GIỚI VIỆT NAM VỚI GIAO LƯU VÀ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO CHÂU Á”
Ngày 04/04/2025, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Đóng góp của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á”.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, phía Trung ương Hội Phật giáo VN, Học viện Phật giáo có Ni trưởng Thích Như Dung, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai, cố vấn Trung tâm nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Ni sư TS. Như Nguyệt (Huê Lâm), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nữ giới Phật giáo cùng các đại biểu tham dự Hội thảo đến từ các cơ quan: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại diện Phân ban Ni giới TW phía Bắc, Chư Ni các tỉnh phía Bắc, Viện Triết học, Viện Dân tộc học và Tôn giáo học, Viện Xã hội học và Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sài Gòn…
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá vai trò của nữ giới Việt Nam đối với hoạt động giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á trong suốt chiều dài lịch sử, ở tất cả các phương diện: hoằng pháp, giáo dục, công tác xã hội, hội nhập quốc tế, khoa học... Từ đó, hướng đến mục tiêu đánh giá những đóng góp của nữ giới trong kết nối, giao lưu, hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời, tăng cường năng lực hợp tác, đẩy mạnh tiến trình kết nối, giao lưu với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục trong nước
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 09 tham luận, tập trung vào 03 nhóm vấn đề:
(1) Vai trò của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á trong lịch sử.
(2) Vai trò của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á đương đại.
(3) Giải pháp phát huy vai trò của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á.
Theo đó, trải qua 2.500 năm lịch sử, Phật giáo vẫn thể hiện tính công bằng, vượt trội thông qua việc ghi nhận, tán thán công đức của người nữ tham gia vào hành trình tâm linh.
Được sự ghi nhận của Đức Phật, sự ủng hộ của chư Tôn đức và sự quan tâm sâu sắc của các bậc Đại Ni, nên Ni chúng có được sự tự tin để phát huy năng lực cống hiến cho đạo và đời. Chính trong môi trường thuận lợi để phát triển như thế, Ni giới Việt Nam nói riêng và nữ giới Phật giáo nói chung vừa có thể tu dưỡng phạm hạnh, vừa trở thành trụ cột cho quá trình nhập thế, an sinh.
Nữ giới Phật giáo có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động báo chí tuyên truyền, giáo dục, văn chương, kiến lập tự viện - tông phái…, và cũng chưa từng dừng lại các hoạt động mang tính lợi sinh. Bên cạnh đó, những hoạt động giao lưu nhằm phát triển Phật giáo trong khu vực và cả châu Á cũng được đẩy mạnh.
Từ những ngôi trường mà các Ni sư Việt Nam lập nên ở xứ sở Phật, đến những bài giảng pháp của các Ni sư được lan truyền trên cộng đồng mạng, và đặc biệt là sự góp mặt của các Ni sư trong các diễn đàn hội thảo khoa học Phật giáo quốc tế… là những bước đi vững vàng, đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập với cái nôi Phật giáo châu Á.
Thành tựu mà các Ni sư Việt Nam đạt được trong các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, khoa học, công tác xã hội, hội nhập quốc tế, giao lưu hợp tác quốc tế… góp phần lớn chứng minh Phật giáo là một tôn giáo có khả năng tạo sự liên kết, gắn kết về mặt văn hóa - tâm lý - tâm linh giữa các cộng đồng, các quốc gia, dân tộc.
Trên cơ sở luận bàn về những đóng góp của Nữ giới đối với hoạt động giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á – cái nôi của Phật giáo thế giới, hội thảo đề xuất những gợi ý, giải pháp để khích lệ nữ giới tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động này, hướng đến mục đích rộng hơn, đó là: nâng cao vai trò của nữ giới trong kết nối, giao lưu, hợp tác quốc tế, mà ở đó Phật giáo là một thế mạnh, đóng vai trò của một “sứ giả hòa bình” thân thiện.