Thứ hai, 28/04/2025 16:27

Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”




Sáng ngày 15/4/2025, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS); Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam (HALCERT) và Đại sứ quán một số quốc gia Islam giáo tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Triển Vọng Phát Triển Du Lịch gắn với Halal Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội”.




Tham dự Hội thảo, về phía Ban tổ chức có TS. Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam.

khai niem du lich halal 350 ty usd va cu hich phat trien du lich viet nam hinh anh 1

Ban tổ chức Hội thảo

 

Về phía khách quốc tế, Hội thảo vinh dự đón tiếp ngài Shovgi Mehdizada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam; Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam; Ngài Korhan Kemik, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam; Ngài  Ali Akabar Nazari, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Iran tại Việt Nam; Ngài Poshitha Perera, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka tại Việt Nam; Ngài Saddi Salama, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam; Các Đại biện, Tham tán, lãnh đạo của các tổ chức, doanh nghiệp của các quốc gia Hồi giáo tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời Việt Nam có Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý Lưu trú Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; Đại diện các Cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương, Thành phố Hà Nội; Các Trường đại học, cao đẳng; Viện nghiên cứu; Đại diện Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam,; Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định; Hội Đầu bếp Hoàng gia Việt Nam; Hội Đầu bếp Chuyên nghiệp Hà Nội; Hội Nhà hàng Việt Nam; Chi hội Lữ hành Hà Nội; Hiệp hội Truyền thông Thành phố Hà Nội; Hội người Bắc Ninh làm Du lịch tại Hà Nội và nhiều Hội, Hiệp hội khác; Các Cơ quan báo chí, các Tập đoàn, Doanh nghiệp.

Hội thảo đã tập trung trao đổi và làm rõ một số vấn đề về: 1) Khái niệm, nội hàm, đặc điểm du lịch gắn với Halal; 2) Xu hướng phát triển du lịch Halal toàn cầu và kinh nghiệm quốc tế; 3) Thực trạng thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức phát triển du lịch Halal tại Hà Nội; 4) Định hướng và giải pháp đột phá phát triển du lịch Halal tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; 5) Thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, và tổ chức quốc tế.

Theo TS. Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Với hơn 1,9 tỷ người, khoảng 30% dân số toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động, đầu tư phát triển du lịch Halal để thu hút nguồn khách hàng tiềm năng này. Trong đó phải kể đến các nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Singapore, Đài Loan, Thái Lan. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển du lịch và phát triển Halal cụ thể: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Kế hoạch số 169/KH ngày 4 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành Halal, trong đó có du lịch Halal.

PGS. TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho rằng Halal tuy còn rất mới mẻ với người Việt Nam nhưng đây là một lĩnh vực kinh tế đang nhận được sự quan tâm từ Chính Phủ cho đến các doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong việc thu hút du khách quốc tế, du lịch Halal đang nổi lên như một hướng đi chiến lược, giàu tiềm năng và mang tính nhân văn sâu sắc. Với hơn 25% dân số thế giới theo đạo Hồi, thị trường Halal đã và đang trở thành một động lực kinh tế mới có quy mô toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận mở

 

Trong phiên trình bày tham luận, ngoài việc làm rõ tiềm năng phát triển du lịch gắn với halal của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, các Đại sứ, chuyên gia cũng nêu ra thách thức của Việt Nam khi tham gia vào thị trường du lịch này. Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam cho rằng một trong những thách thức của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal đó là người dân địa phương chưa hiểu ý nghĩa của Halal và họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của nó. Chính vì vậy các doanh nghiệp du lịch chưa sẵn sàng đưa các hoạt động Halal vào doanh nghiệp của mình trừ khi họ đã làm việc với người Hồi giáo. Ông khẳng định, khi Việt Nam có nhu cầu, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp hiểu hơn về văn hoá, lối sống của cộng đồng Hồi giáo.

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, theo TS. Aemin Nasir, đại diện đến từ Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều lỗ hổng; Thiếu các lựa chọn thực phẩm được chứng nhận Halal, cơ sở cầu nguyện hạn chế và rất ít chỗ ở thân thiện với người Hồi giáo; Các sân bay cũng chưa được trang bị không gian hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người Hồi giáo và nhìn chung không có các hoạt động giải trí nhạy cảm về mặt văn hóa tôn trọng các giá trị của người Hồi giáo. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến việc thiếu kết nối hàng không với các nước OIC và chính sách thị thực hạn chế, có thể khiến khách du lịch Hồi giáo không muốn chọn Việt Nam làm điểm đến. Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam cho biết Trung tâm đã công bố tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 14230:2024 về Dịch vụ du lịch thân thiện cho người Hồi giáo để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch... tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận mở, các đại biểu tập trung vào thảo luận các giải pháp giúp Việt Nam cũng như Hà Nội phát triển du lịch gắn với halal. Các giải pháp được đề xuất bao trùm hầu hết các yếu tố để thúc đẩy lĩnh vực du lịch tiềm năng này. Đó là: phát triển nguồn nhân lực thông qua các chiến dịch đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và trình độ tiếng Anh của các bên tham gia vào dịch vụ du lịch Halal; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về đặc điểm dòng khách Hồi giáo; Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch thân thiện với người Hồi giáo; Tăng cường kết nối các chuyến bay giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo trong và ngoài khu vực (Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước Trung Đông…).

Tại Hội thảo, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đề xuất thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị phục vụ khách Hồi giáo và “Hà Nội sẽ có các chiến lược trước mắt và dài hạn để sẵn sàng đón khách du lịch Hồi giáo đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”. Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các “Halal Friendly Zones” – khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại các quận trung tâm. Cùng với phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội cũng tăng cường triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành như Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phục vụ thị trường Halal đầy tiềm năng.


ThS. Lê Bích Ngọc

Phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á


  • Hệ sinh thái công nghiệp 4.0, nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam
  • Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • Giới thiệu sách: Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030
  • Giới thiệu cuốn sách “Khát vọng châu Á:  Tại sao và làm như thế nào để châu Phi đua theo châu Á”
  • Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam
  • Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam
  • Giới thiệu cuốn sách: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động
  • Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf
  • Con đường thoát hạn
  • Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam

Liên kết website