Tham dự Hội thảo, về phía Ban tổ chức có PGS, TS. Nguyễn
Hoàng - Hiệu trưởng, Trường Đại học Thương mại; PGS. TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện Nghiên
cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội
và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía khách quốc tế có ngài Ali
Akbar Nazari, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam; Ngài Jamale Chouaibi,
Đại sứ Vương quốc Morocco tại Việt Nam; Ngài
Kohdayar Marri, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam; Các Đại biện,
Tham tán, lãnh đạo của các tổ chức, doanh nghiệp của các quốc gia Hồi giáo
Iran, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia, Kuwait, Pakistan, Morocco, Singapore tại
Việt Nam.
Tham dự Hội thảo về phía
khách mời Việt Nam có ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp,
Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và
Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương; Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc
Trung tâm chứng nhận Halal Quốc gia; Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm chứng nhận phù hợp
QUACERT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Các
nhà nghiên cứu, giảng viên, cơ quan báo chí, các Tập đoàn, Doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức với 2 phiên chuyên đề và 1 phiên
thảo luận bàn tròn đã mang đến những thông tin cập nhật, tri thức chuyên sâu và
góc nhìn đa chiều, tập trung vào hai nhóm chủ đề:
(1) Kinh nghiệm quốc tế và bài học phát triển kinh tế
và thương mại Halal;
(2) Triển vọng và giải pháp phát triển kinh tế và
thương mại Halal của Việt Nam.
Hội thảo đã tập trung trao đổi và làm rõ một số vấn đề
về: 1)
Cơ sở lý luận và thực tiễn cho phát triển kinh tế,
thương mại Halal tại Việt Nam; 2) Những quốc gia nào đã thành công trong việc
phát triển ngành công nghiệp Halal? Mô hình quản trị nào cho hệ sinh thái Halal
hiệu quả đối với các nền kinh tế đang phát triển? Việt Nam có thể học hỏi được
gì từ cách các nước trong xây dựng thương hiệu Halal quốc gia? 3) Các chính
sách hiện hành của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường Halal
chưa? Hệ thống chứng nhận Halal tại Việt Nam nên được tổ chức và vận hành ra
sao để đảm bảo uy tín và minh bạch? Các cơ quan chức năng đang gặp vướng mắc gì
trong việc chứng nhận, giám sát và xúc tiến thương mại Halal? 4)Việt Nam đang ở
đâu trong bản đồ chuỗi cung ứng Halal toàn cầu? Những yếu tố nào tạo nên lợi thế
so sánh và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực Halal? Làm thế nào để
xây dựng năng lực nội tại cho doanh nghiệp Việt tiếp cận và đáp ứng các tiêu
chuẩn Halal quốc tế?
Tại Hội thảo, các ngài Đại sứ bày tỏ, họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và hệ thống pháp lý trong ngành
Halal và có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ thống Halal vững mạnh, đáp ứng
được các yêu cầu của thị trường toàn cầu. Ông Jamale Chouaibi - Đại sứ Vương
quốc Morocco tại Việt Nam đã đề xuất 2
bên có thể thúc đẩy hợp tác trong trao đổi kiến thức chuyên môn, xây dựng hạ tầng
phục vụ chứng nhận Halal như phòng thí nghiệm, hệ thống đánh giá kiểm định,
cũng như việc điều chỉnh tiêu chuẩn Halal theo chuẩn quốc tế. Morocco có thể trở
thành cầu nối để các sản phẩm Halal của Việt Nam tiến vào các thị trường châu
Phi, Trung Đông và châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể hỗ trợ đưa sản phẩm
Morocco tới gần hơn với người tiêu dùng Đông Nam Á.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Sau 4 giờ làm việc tích cực và hiệu quả, hội thảo đã kết thúc
thành công tốt đẹp. Có thể nói, hội thảo không chỉ đóng góp về mặt học thuật,
nhận định thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối
với việc đảm bảo, phát huy tối đa nguồn lực, phát triển đa dạng thi trường
trong đó có thị trường trọng điểm Halal, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển
bền vững nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
ThS. Lê Bích Ngọc
Phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á