Mở đầu
Du
lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự
phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Với 2,1 tỷ người Hồi giáo trên
toàn thế giới năm 2025, dự báo sẽ lên tới 2,4 tỷ người vào năm 2035 (Future
Market Insight, 2025), chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu, dẫn đến bùng nổ nhu cầu
đi du lịch của người Hồi giáo. Dự báo đến năm 2035, du lịch Halal sẽ đóng góp
548,1 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới (Equantu.com, 2023). Nhiều quốc gia
trên thế giới đã và đang hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành
động, đầu tư phát triển du lịch Halal để thu hút nguồn khách hàng tiềm năng
này. Trong đó, phải kể đến các quốc gia phi Hồi giáo trong khu vực gần với Việt
Nam như: Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… đều thuộc top điểm đến ưu thích của người
Hồi giáo ngoài Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) theo xếp hạng Chỉ số Du lịch Hồi
giáo toàn cầu (GMTI) năm 2022.
Nghị
quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển du lịch
là một trong những chiến lược trọng điểm của Đảng và Nhà nước, và trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế
khác. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng của
toàn ngành du lịch, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày
18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển
du lịch hiệu quả, bền vững. Hơn nữa, để triển khai tốt các Nghị quyết đó, Ủy
ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 169/KH ngày 4/6/2024 với
mục tiêu giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, xây dựng
hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng -
Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến
du lịch thành phố hàng đầu thế giới. Như vậy có thể nói rằng, phát triển du lịch
gắn với Halal tạo đột phá để Hà Nội trở thành điểm đến du lịch thân thiện với
người Hồi giáo hàng đầu thế giới, góp phần thực hiện Đề án của Chính phủ “Tăng
cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm
2030” tại Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023.
Hà
Nội, với vai trò là thủ đô của Việt Nam, là một trung tâm văn hóa, kinh tế, và
chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Thành phố không chỉ có tiềm năng
thu hút khách du lịch quốc tế mà còn đang hướng tới xây dựng hình ảnh một điểm
đến du lịch thân thiện và đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm và
dịch vụ Halal của Hà Nội chưa phát triển đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc
thu hút nhóm du khách Hồi giáo này. Để khai thác tiềm năng này, việc định hướng
phát triển du lịch gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo không
chỉ đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường du lịch Halal mà còn phù hợp với
xu hướng hội nhập quốc tế và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia và cộng
đồng Hồi giáo trên thế giới.
Với
60 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
trở thành một trong những cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu trong lĩnh vực du lịch
và thương mại. Trường không chỉ kế thừa những giá trị truyền thống mà còn không
ngừng đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của xã hội tương lai. Với sứ mệnh
đào tạo nguồn nhân lực có “Tâm, Tầm và Chất”, Trường Cao đẳng Thương mại và Du
lịch Hà Nội tăng cường hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để trở thành đơn
vị tiên phong trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch gắn với
Halal, góp phần thúc đẩy du lịch thân thiện với người Hồi giáo trên địa bàn
thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vì sự tăng trưởng kinh tế Việt
Nam kỳ vọng đạt 2 con số, và phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của
dân tộc.
Với
ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã
phối hợp với các đại sứ quán các quốc gia Hồi giáo tại Hà Nội, Sở Du lịch thành
phố Hà Nội và Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa
học xã hội Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch có liên quan, tổ chức Hội
thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà
Nội” vào ngày 15/4/2025 tại trụ sở của Trường trên đường Phạm Văn Đồng,
Tp. Hà Nội.
Hội
thảo đã nhận được 76 bài viết có chất lượng của các nhà quản lý, hoạch định
chính sách, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên… trong nước và quốc tế, chủ yếu
tập trung theo 04 chủ đề lớn như sau:
1).
Cơ sở lý luận phát triển du lịch gắn với Halal.
2).
Kinh nghiệm quốc tế phát triển du lịch gắn với Halal.
3).
Thực trạng phát triển du lịch gắn với Halal ở Việt Nam và Hà Nội.
4).
Giải pháp phát triển du lịch gắn với Halal ở Việt Nam và Hà Nội.
Có
thể khẳng định, Hội thảo đã tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà
nước, các nhà khoa học, giảng viên, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức trong
nước và quốc tế về khái niệm, đặc điểm, kinh nghiệm quốc tế cũng như thuận lợi
và khó khăn, cơ hội và thách thức phát triển du lịch gắn với Halal tại Hà Nội
nói riêng và Việt Nam nói chung. Hội thảo không chỉ nâng cao nhận thức, tăng cường
hiểu biết và năng lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Hà Nội trong
việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ Halal chất lượng cao mà còn thúc đẩy kết
nối và hợp tác quốc tế giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và
các tổ chức trong nước và quốc tế; giữa Hà Nội và các quốc gia Hồi giáo để hỗ
trợ phát triển du lịch gắn với Halal tại Hà Nội. Hội thảo chính là bước đệm quan trọng để Hà Nội định vị là điểm
đến hàng đầu về du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á,
đóng góp vào sự phát triển bền vững và toàn diện của ngành du lịch Thủ đô.
2. Thực trạng đào tạo và phát triển
nguồn nhân lực du lịch của HCCT
-
Tổng quan về HCCT
Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (tên viết tắt
là HCCT) tiền thân là Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội được thành lập theo
Quyết định số 1680/QĐ-TCDC ngày 09/4/1965 của UBHC thành phố Hà Nội (nay là
UBND thành phố Hà Nội). Để phù hợp với sự nghiệp đổi mới của đất nước, ngày
13/5/1993 trường được đổi tên thành Trường Trung học Thương mại và Du lịch Hà Nội
theo Quyết định số 1948/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, và được nâng cấp thành
Trường Cao đẳng Thương mại và Du Lịch Hà Nội kể từ ngày 01/9/2008 tại Quyết định
số 5689/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường
có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao đẳng và các
trình độ thấp hơn theo đúng ngành nghề đào tạo theo quy định hiện hành của nhà
nước. Nghiên cứu và thực nghiệm khoa học công nghệ phục vụ cho đào tạo, sản xuất
kinh doanh, dịch vụ thương mại và du lịch, hợp tác, đào tạo, nghiên cứu khoa học
với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Mục tiêu
HCCT
là cơ sở đào tạo đa ngành, đa hệ, liên thông giữa các bậc học; đào tạo bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn; có sức khỏe, đạo
đức, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường
làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công
nghệ phục vụ nhu cầu xã hội, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở sản xuất kinh
doanh, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
Tầm nhìn
HCCT
là trung tâm đào tạo uy tín về lĩnh vực du lịch và thương mại theo hướng ứng dụng,
ươm tạo tinh hoa cho xã hội.
Sứ mệnh
HCCT
là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thương mại và du
lịch bằng việc đào tạo học sinh – sinh viên với bài giảng tân tiến, môi trường
học tập mang tính thực nghiệm cao, kết nốt với các doanh nghiệp nhằm chuyển
giao công nghệ, phối hợp đào tạo và đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên, xây
dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thị trường và hướng tới đạt chuẩn quốc
tế.
Sau
60 năm đi vào hoạt động, với đội ngũ gần 115 người không ngừng phát triển và
nâng cao trình độ trong đó có 03 tiến sỹ, 2 nghiên cứu sinh, 7 thạc sỹ và 04
sau đang học sau đại học, và với 22 ngành nghề bao gồm cả hệ cao đẳng và các
ngành hệ trung cấp chuyên nghiệp với khoảng trung bình dưới 2.000 sinh viên/năm
kể từ năm 2014, HCCT khẳng định năng lực
của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng tốt của Thủ đô Hà Nội, và vị thế
trong lĩnh vực đào tạo nghề của Việt Nam. Bên cạnh đó, HCCT thiết lập quan hệ
chặt chẽ với hàng chục doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để hợp tác
nghiên cứu, đào tạo giảng dạy và thực hành, tài trợ học bổng và đặc biệt là giải
quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Chính vì vậy, HCCT đã vinh dự nhận Huân
chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước vào ngày 9/4/2025, 01 Bằng khen của Thủ
tướng Chính phủ, 04 Cờ Thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và gần
60 Bằng khen khác…
-
Kết quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch của HCCT trong 10 năm qua
-
Mã ngành du lịch đa dạng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội:
Du
lịch là một trong hai mảng đào tạo nghề trọng số của HCCT với các mã ngành chủ
yếu như sau:
-
Quản trị khách sạn hệ cao đẳng và trung cấp
-
Kỹ thuật chế biến món ăn hệ cao đẳng và trung cấp
-
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hệ cao đẳng
-
Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống hệ cao đẳng
-
Phiên dịch tiếng Anh du lịch hệ cao đẳng
-
Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn hệ trung cấp
-
Hướng dẫn du lịch hệ trung cấp
-
Quản lý khách sản hệ sơ cấp
-
Quản trị nhà hàng hệ sơ cấp
-
Digital Marketing hệ sơ cấp
…
Từ
năm 2024, HCCT đào tạo thêm hệ 9+ Quốc tế với 06 ngành bao gồm Hướng dẫn du lịch,
Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung…,
góp phần nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên chuẩn quốc tế.
- Số lượng và chất lượng sinh viên
gia tăng:
Trong
10 năm qua, số lượng và chất lượng sinh viên theo học các ngành có liên quan đến
du lịch đều gia tăng từ vài chục sinh viên năm 2015 lên tới hàng trăm sinh viên
năm 2025. Cụ thể, ngành quản trị khách sạn hệ cao đẳng năm 2015 có 44 sinh viên
thì đến năm 2025 tăng lên 150 sinh viên. Ngành kỹ thuật chế biến món ăn hệ cao
đẳng năm 2015 có 27 sinh viên, năm 2025 đã tăng lên 200 sinh viên. Ngành quản
trị dịch vụ du lịch và lữ hàng hệ cao đẳng năm 2015 có 21 sinh viên, năm 2025
cũng đã tăng lên 180 sinh viên…
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị được
đầu tư nâng cấp:
Cơ
sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư và nâng cấp hiện đại phục vụ công tác
đào tạo và thực hành, nghiên cứu khoa học của
HCCT. Cụ thể, khuôn viên nhà trường được cải tạo tu bổ khang trang và sạch sẽ;
các phòng thực hành và lý thuyết đều được trang bị bàn ghế mới, máy tính, máy
chiếu, màn chiếu và máy điều hòa; phòng họp và phòng hội trường được trang bị hệ
thống âm thanh hiện đại; phòng giáo dục thể chất và phòng thực hành chế biến
món ăn cũng được mua sắm trang thiết bị đầy đủ phục vụ công tác giảng dạy và thực
hành cho sinh viên. Ngoài ra, HCCT cũng đầu tư mua sắm tài sản chuyên dùng cho
các phòng thực hành như thương mại điện tử, phòng học ngoại ngữ, phòng thực
hành máy tính, phòng thực hành buồng khách sạn, phòng thực hành nghiệp vụ nhà
hàng, phòng thực hành bếp… Chính vì vậy, HCCT là một trong những địa chỉ uy tín
được Bộ Lao động thương binh và xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các tập
đoàn du lịch khách sạn và một số tổ chức quốc tế lựa chọn để đào tạo bồi dưỡng,
hay tập huấn các nghiệp vụ du lịch như phục vụ nhà hàng, khách sạn, bếp, hướng
dẫn viên du lịch… và tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, quảng bá ẩm thực, du
lịch…
-
Kết nối, hợp tác trong nước và quốc tế được
đẩy mạnh:
HCCT
tăng cường kết nối và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu,
các công ty, doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế để đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển ngành du lịch của thủ
đô nói riêng và cả nước nói chung cũng như phục vụ cho xuất khẩu lao động kỹ
thuật, và hướng tới đào tạo theo mục tiêu chuẩn Quốc tế, tiếp cận các tiến bộ
khoa học kỹ thuật của thế giới.
HCCT
đã ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các trường của Đài Loan,
Úc, Trung Quốc và một số tổ chức doanh nghiệp du lịch quốc tế khác của Nhật Bản,
Italia, Singapore, Phần, Đức… nhằm trao
đổi học thuật, phương pháp giảng dạy cho giảng viên, cơ hội học tập và thực tập
nghề cũng như việc làm của sinh viên. Đơn cử, hợp tác với Trưởng Cao đẳng Du lịch
và Công nghệ thông tin (ACTIT) của Úc về đào tạo cao đẳng quản lý du lịch, lữ
hành và công nghệ thông tin. Hợp tác với Trường kỹ thuật nghề số 1 Nam Ninh,
Trung Quốc để tham quan và học nghề ngắn hạn về chế biến món ăn, cắt tỉa củ quả,
trao đổi giảng viên và tham dự sự kiện thi tay nghề quốc gia. Hợp tác với tập
đoàn Khách sạn Villa Fontaine, Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội thực tập nghề và việc
cho sinh viên HCCT sau khi ra trường. Hợp tác với ELIS, Italia để được tài trợ
cơ sở vật chất cho phòng thực hành nghiệp vụ khách sạn và kỹ thuật chế biến món
ăn. Hợp tác với tâp đoàn INGRID, KIBONI của Singapore để xây dựng thương hiệu
cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong quá trình hội nhập… Ngoài ra, HCCT
liên kết và hợp tác chặt chẽ với 42 tập đoàn, doanh nghiệp và hiệp hội trong nước
để giới thiệu thực tập và việc làm cho sinh viên như Tập đoàn Golden Gate, MM
Mega Market, Tập đoàn My Way, Tập đoàn Migroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn WBS. Tập
đoàn Sun Group, Tập đoàn Mai Linh… Định kỳ hàng năm tổ chức ngày Hội việc làm với
sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp xúc và tìm kiếm việc
làm của sinh viên HCCT. Cụ thể, HCCT ký hợp tác với Tập đoàn JHL Việt Nam để tổ
chức tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo cho người học nghề Dịch vụ nhà
hàng/khách sạn và du lịch…
3. Vai trò của HCCT phát triển nguồn
nhân lực phục vụ du lịch gắn với Halal
Nguồn
nhân lực đóng vai trò quan trọng trong thành công của tất cả các ngành, bao gồm
cả ngành du lịch Halal (Peristiwo, 2020). Hiệu quả của nhân viên và cách quản
lý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển của từng ngành. Trong du lịch
Halal, nguồn nhân lực không chỉ cần thiết để thực hiện các quy định phù hợp mà
còn để cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch Hồi giáo, chẳng hạn
như chỗ ở và dịch vụ hiếu khách tuân thủ luật Sharia (Dian Okta Yoshinta, Fendy
Suhariadi, Suparto Wijoyo, 2024).
Khái
niệm "cạnh tranh thông qua con người" nhấn mạnh rằng thành công của bất
kỳ tổ chức nào ngày càng phụ thuộc vào việc quản lý nhân tài và nguồn nhân lực
(Goldin, 2024). Hay nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực trở thành yếu tố
quyết định chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Để có thể tăng khả năng cạnh
tranh và trở thành vốn cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu, cần cải thiện chất lượng
và điều chỉnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo các tiêu chuẩn tốt
(Kusworo & Damascus, 2002) cũng như theo xu hướng phát triển mới trong đó
có du lịch gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo.
Thực
tế minh chứng Thái Lan, Nhật Bản… đều là các quốc gia phi Hồi giáo ở khu vực
châu Á nhưng đã rất thành công phát triển du lịch gắn với Halal, cụ thể là du lịch
thân thiện với người Hồi giáo (MFT), và liên tiếp lọt trong danh sách top các
điểm đến ưu thích của người Hồi giáo ngoài Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) trong
những năm gần đây theo xếp hạng của Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI). Đạt
được thành công đó, Thái Lan và Nhật Bản … đều chú trọng đến đào tạo và phát
triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch gắn với Halal hay du lịch thân thiện với
người Hồi giáo. Cụ thể, Thái Lan triển khai nhiều chương trình đào tạo nhằm
nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo phù hợp với văn hóa Islam. Nhân viên khách
sạn, nhà hàng được tập huấn và hướng dẫn về quy tắc ăn uống Halal, cách phục vụ
khách hàng theo giới tính và bố trí không gian phù hợp. Viện Tiêu chuẩn Halal của
Thái Lan (HSIT) – đơn vị nghiên cứu đào tạo hợp tác với các cơ sở lưu trú để đảm
bảo chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế (CrescentRating, 2020). Bộ Du lịch
và Thể thao Thái Lan phối hợp với Đại học Chulalongkorn bắt tay triển khai Dự
án phát triển du lịch Halal nhằm nghiên cứu sâu đặc điểm, nhu cầu, thị hiếu của
du khách Hồi giáo.... Đối với trường hợp Nhật Bản, Hiệp
hội Halal Nhật Bản phối hợp với Bộ Phát triển Islam giáo Malaysia (JAKIM), tổ
chức các khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài hai ngày dành cho giám đốc khách sạn
Halal, cung cấp kiến thức nền tảng về Islam giáo, nguyên tắc Halal và quy trình
chứng nhận, hướng đến các tổ chức muốn triển khai dịch vụ Halal (Yasuda, 2017).
Các khóa đào tạo về dịch vụ khách hàng thân thiện với người Hồi giáo dành cho
ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn được triển khai, giúp nâng cao chất lượng
phục vụ khách Hồi giáo, với nội dung giảng dạy bởi các chuyên gia giàu kinh
nghiệm thực tế. Nhiều học viên tham gia khóa học này được trang bị kiến thức
chuyên sâu, đảm bảo cung cấp dịch vụ đạt chuẩn Halal.
Là một trong những cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu
trong lĩnh vực du lịch với nhiều mã ngành như: quản trị khách sạn, kỹ thuật chế
biến món ăn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ
ăn uống, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn du lịch, digital marketing…,
cộng với cơ cở vật chất được trang bị hiện đại và đủ tiêu chuẩn để “học đi đôi
với hành”, kèm với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, trường đại học,
cơ sở nghiên cứu cứu và đào tạo trong nước và quốc tế, HCCT đủ điều kiện trở
thành đơn vị tiên phong trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch
gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo của Hà Nội nói riêng và cả
nước nói chung.
HCCT
là đơn vị tích cực nâng cao hiểu biết về văn hóa Islam, kiến thức về Halal, du
lịch thân thiện với người Hồi giáo… cho giảng viên và sinh viên. HCCT chủ động
kết nối và hợp tác chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo như Viện Nghiên
cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi; Khoa ngôn ngữ, văn hóa Arab và Khoa Đông phương học
của Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; các tổ chức,
doanh nghiệp trong nước và quốc tế như: Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia
(HALCERT), Đại lý hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airline)… , và các đại sứ
quán các quốc gia Hồi giáo tại Hà Nội như: Azerbaijan, Kazakhstan, Pakistan,
Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Algeria, Ma-rốc… để trao đổi thông tin, phổ
biến kiến thức, tổ chức hội thảo, sự kiện có liên quan.
Việc
tổ chức hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa
bàn thành phố Hà Nội” do HCCT chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á
và Châu Phi và các đại sứ quán các quốc gia Hồi giáo, HALCERT và tổ chức, doanh
nghiệp trong lĩnh vực du lịch có liên quan khẳng định vai trò phổ biến kiến thức
và người đi tiên phong phát triển du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Hà
Nội và Việt Nam. Hay việc HACCT phối hợp với Đại sứ quán Azerbaijan và
Kazakhstan tổ chức Lễ hội Novruz Bayran lần thứ hai (Novruz Bayran 2024 và
2025) tại khuôn viên nhà trường với sự tham gia hướng dẫn của đầu bếp nổi tiếng
Don David cùng các chuyên gia ẩm thực hàng đầu thế giới như Alan Payen, Djordje
Kostic, Suleyman Kursak, Adrijana Alacki…góp phần mở ra cơ hội thực hành ẩm thực,
giao lưu văn hóa của hai quốc gia Hồi giáo ở khu vực Trung Á cho sinh viên, giảng
viên nhà trường và các đại biểu tham dự…
Với
Tầm nhìn chiến lược về triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal, du lịch
thân thiện với người Hồi giáo tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong
đó nhiệm vụ cấp bách đặt ra phải có nguồn nhân lực bao gồm từ quản trị, quản lý
nhà hàng, khách sạn đến đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, phục vụ buồng, nhà
hàng am hiểu về kiến thức Halal, tiêu chuẩn và sản phẩm Halal, văn hóa Islam...và
chuyên nghiệp về kỹ năng thực hành để thân thiện phục vụ du khách Hồi giáo,
HCCT thành lập Trung tâm Đào tạo Halal (Halal Training Center). Phối hợp với
HALCERT, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi và một số đối tác khác trong nước
và quốc tế, Trung tâm Đào tạo Halal của HCCT sẽ triển khai các khóa học cơ bản và
nâng cao về Halal, và chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia
TCVN14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo - lần đầu tiên được áp
dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Không chỉ chú trọng đào tạo
lý thuyết, nâng cao hiểu biết và kiến thức về Halal, văn hóa Islam, du lịch
thân thiện với người Hồi giáo …, HCCT phát huy thế mạnh thực hành khi hợp tác với
Công ty cổ phần Nan Kebab để đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn Halal, đầu bếp,
phục vụ nhà hàng, khách sạn Halal… Đây là nhu cầu vô cùng cấp thiết để đáp ứng
điều kiện tiên quyết của du lịch gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi
giáo là thực phẩm Halal. Bên cạnh đó, HCCT sẽ mở các khóa học chuyên về digital
makerting du lịch thân thiện với người Hồi giáo – một ngành nghề đang “hot” hiện
nay trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạnh công nghệ 4.0.
Kết luận
Dựa
vào bề dày kinh nghiệm – 60 hình thành và phát triển và sự năng động, sáng tạo,
không ngừng đổi mới để bắt kịp xu hướng của thời đại, HCCT khẳng định là đơn vị
tích cực và tiên phong đào tạo nguồn nhân lực có “Tâm – Tầm – Chất” phục vụ du
lịch gắn với Halal, góp phần giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực trong chiến
lược phát triển Hà Nội và Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch
thân thiện với người Hồi giáo hàng đầu trên thế giới.
Hội
thảo “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn Hà Nội” tổ chức
thành công là bước khởi đầu trên con đường xây dựng HCCT trở thành đơn vị có uy
tín đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch gắn với Halal ở Việt Nam. Để đạt được
điều đó, HCCT rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, giúp đỡ tích cực và hợp tác chặt chẽ của Ủy ban Nhân
dân Hà Nội, Sở du lịch Hà Nội, các bộ ngành của Chính phủ, các đại sứ quán và
các tổ chức của các quốc gia Hồi giáo, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo như Viện
Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Đại học RMIT, HALCERT, các hiệp hội và
doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế…
Xin
trân trọng cám ơn và giới thiệu cuốn kỷ yếu hội thảo./.
Thay
mặt Ban Tổ chức
TS.
Trịnh Thị Thu Hà
Hiệu
trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (HCCT)