LỜI GIỚI THIỆU
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, du lịch – ngành công nghiệp không
khói càng đóng vai trò quan trọng phát triển xanh, thúc đẩy hội nhập khu vực và
quốc tế của Việt Nam. “Phát
triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát
triển của các ngành, lĩnh vực khác để phát triển đất nước”. Trong đó, du lịch thân thiện với người Hồi giáo là chìa khóa “khai mở” thị
trường du khách Hồi giáo đầy tiềm năng cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng
Ninh nói riêng.
Du lịch thân thiện với người Hồi giáo trở thành một xu hướng du lịch mới, có tốc
độ phát triển nhanh trên thế giới. Tổng giá trị thị trường du lịch thân
thiện với người Hồi giáo toàn cầu năm 2018 đạt 229,4 tỷ USD, và tạo động lực
cho sự phục hồi du lịch thế giới sau đại dịch Covid-19, năm 2023 tăng trưởng
mạnh mẽ trở lại, đạt 266,3 tỷ USD. Dự kiến năm 2025 ước đạt 301,9 tỷ USD, và
đến năm 2035 sẽ đạt
548,1 tỷ USD với CAGR là 6,1% giai đoạn 2025-2035 (FMI, 2025). Theo báo cáo Chỉ
số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI), năm 2023 có 140 triệu lượt khách Hồi giáo
đi du lịch nước ngoài, và dự báo đến năm 2028 con số này sẽ lên đến 230 triệu
lượt khách.
Nắm bắt được cơ hội từ tiềm năng và triển
vọng đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển
du lịch thân thiện với người Hồi giáo, và gặt hái được một số thành tựu.
Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhiều năm được xếp hạng trong top 20 điểm đến du lịch ưa
thích (không thuộc các nước Hồi giáo). Trong khi đó, Việt Nam với những lợi thế
về tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa nhưng vắng bóng trong danh sách đó.
Đặc biệt, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những vùng đất có nguồn tài
nguyên du lịch nổi bật và đặc sắc hàng đầu ở Việt Nam, với Vịnh Hạ Long – di
sản thiên nhiên thế giới, và luôn là một trong những địa phương đi đầu đón
lượng du khách quốc tế. Năm 2024, Quảng Ninh xếp vị trí thứ 5 trên 30 tỉnh
thành về Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam (VTDI), nhưng số lượng
du khách Hồi giáo đến Quảng Ninh còn khá khiêm tốn.
Với nỗ lực thúc đẩy du lịch thân thiện với
người Hồi giáo, tạo động lực “bứt phá” mới cho tăng trưởng kinh tế và phát
triển bền vững của Quảng Ninh với kỳ vọng đóng góp của GRDP du lịch vào GRDP
của tỉnh hai con số trong thời gian tới, Quảng Ninh cần phải nhanh chóng có
chính sách, hành động để hiện thực hóa những tiềm năng, lợi thế, biến thách
thức thành cơ hội, thu hút dòng khách Hồi giáo, hay nói cách khác không “bỏ lỡ”
thị trường du khách Hồi giáo tiềm năng này.
Với
ý nghĩa thiết thực, Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) phối hợp với
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) của Viện Hàn Lâm Khoa học xã
hội Việt Nam (VASS) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát
triển Quảng Ninh thành một trong những điểm đến du lịch thân thiện với người
Hồi giáo hàng đầu của Việt Nam”
(Developing Quang Ninh
into One of the Leading Muslim-Friendly Tourist Destinations in Vietnam) vào ngày 30/05/2025 tại Tp. Hạ Long.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài viết
chuyên sâu phản ánh quan điểm, ý kiến riêng của các tác giả về các vấn đề có
liên quan bao gồm từ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế cho đến thực trạng,
triển vọng và giải pháp phát triển du lịch thân thiện với người Hồi giáo của
Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Hy vọng những bài viết này sẽ là
tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên,
hiệp hội và doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, hoạch định chiến lược về du lịch
thân thiện với người Hồi giáo của Quảng Ninh và Việt Nam. Mặc dù đã cố gắng
chỉnh sửa, song cuốn Kỷ yếu hội thảo không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong
bạn đọc góp ý.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
TM. Ban Tổ
chức Hội thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
PGS.TS.
Nguyễn Xuân Trung