Thứ tư, 25/06/2025 17:38

Sinh hoạt chuyên đề quý II / 2025: Đại đoàn kết dân tộc trong kỷ nguyên số



Ngày 25 tháng 6 năm 2025, Chi bộ Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý II: “Đại đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước”. Đại diện đoàn Thanh niên, ThS. NCS. Nguyễn Thị Hiên báo cáo nội dung “Đại đoàn kết dân tộc trong Kỷ nguyên số”. Buổi sinh hoạt có sự tham gia của toàn thể đảng viên và quần chúng của Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.


Tại buổi sinh hoạt, báo cáo viên đã nhận định rằng chuyển đổi số đã trở thành dòng chảy không thể đảo ngược: công nghệ đang len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ điều hành Nhà nước đến sinh kế của từng hộ gia đình. Xu hướng này mở ra cơ hội bứt phá nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phân hoá trong xã hội do khoảng cách lứa tuổi, khoảng cách vùng miền. Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết kinh tế số Việt Nam năm 2024 ước đạt 18,3 % GDP và với tốc độ tăng trưởng bình quân 20 % mỗi năm, tốc độ nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (Báo Chính phủ, 2025). Trong khi đó, Báo cáo “Digital 2025: Vietnam” ghi nhận 79,8 triệu người dùng Internet, tương đương 78,8 % dân số (Data Reportal, 2025). Những con số này cho thấy tiềm lực rõ rệt, tuy nhiên ẩn dấu phía sau những con số hào hứng về kinh tế số Việt Nam, vẫn còn tồn tại một “khoảng trống số” đáng lo ngại.

Hiện tại có khoảng 20% dân cư tương ứng với hơn 20 triệu người chưa vào không gian số, chủ yếu sống ở nông thôn hoặc vùng sâu vẫn chưa có kết nối ổn định. Tính tới năm 2024, vẫn còn 761 ngôi làng không có vùng phủ sóng băng thông rộng di động. Khoảng trống số còn thể hiện rõ tại các vùng miền khác nhau, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số và những người lớn tuổi. Nói cách khác, hạ tầng đã tới xã, nhưng kỹ năng chưa tới nhà; điện thoại đã rẻ, nhưng nội dung và hướng dẫn vẫn khan hiếm. Nếu không hành động, nhóm yếu thế sẽ bị bỏ lại trên lề đường phát triển; khi ấy tăng trưởng số chỉ là “vườn hoa trước cổng” chứ chưa thành “ruộng lúa của toàn dân”.

Trước “khoảng trống số” đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, quá trình chuyển đổi được cấu trúc dựa trên ba trụ cột nền tảng: (1) Kinh tế số: chú trọng phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu nhằm gia tăng năng suất và mở rộng thị trường cho mọi thành phần kinh tế; (2) Chính phủ số: thúc đẩy mở dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cải cách thủ tục hành chính, qua đó nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; (3) Xã hội số: hướng đến mục tiêu mọi công dân đều có khả năng tiếp cận, sử dụng và sáng tạo nội dung số, đồng thời nâng cao năng lực số và bảo đảm an toàn thông tin. Ba trụ cột được xác định trong đó Chính phủ số được xây dựng nhằm tạo thể chế & dữ liệu, Kinh tế số tạo giá trị tăng thêm, Xã hội số bảo đảm tính bao trùm, được lượng hoá bằng các mốc 2025 → 2030. Hoàn thành cột mốc 2025 nghĩa là nền hạ tầng và dịch vụ đã sẵn sàng; đạt mốc 2030 sẽ đưa Việt Nam lên nhóm dẫn đầu khu vực về chính phủ điện tử, kinh tế số và an ninh mạng.

Giữa bối cảnh kỷ nguyên chuyển đổi số của đất nước, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, làm thể nào để mỗi người dân trở thành một công dân số tích cực, đóng góp vào công cuộc chuyển mình của cả dân tộc, báo cáo viên đã nhắc lại lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”

Câu nói hàm chứa chân lý: đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn của mọi thắng lợi. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đoàn kết không chỉ nằm ở ý chí, mà còn phải hiện diện trên nền tảng số, nơi tri thức được san sẻ và giá trị được tạo sinh. Cốt lõi của nền móng vững chắc cho chuyển đổi số chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sự đồng lòng từ các vùng miền, sự chung tay của các tổ chức xã hội và tôn giáo, sự cống hiến của trí thức, doanh nhân, thanh niên, và sự đóng góp của kiều bào đã tạo nên một "hạ tầng mềm" vô cùng quan trọng. Chính nhờ sự gắn kết này, Việt Nam đang biến đoàn kết thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện và bền vững.

Một trong những sáng kiến nổi bật nhằm hiện thực hóa trụ cột Xã hội số là phong trào “Bình dân học vụ số”, triển khai toàn quốc từ tháng 3/2025. Nền tảng trực tuyến binhdanhocvuso.gov.vn, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Đại học Bách Khoa đã phát triển đã xây dựng các khóa học miễn phí, bao phủ nội dung từ kỹ năng smartphone cơ bản, an toàn dữ liệu đến thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo; nền tảng hỗ trợ đăng nhập một lần qua VNeID, đồng thời sử dụng công cụ AI để gợi ý lộ trình học tập cá nhân hóa cho người học. Mô hình khẳng định phương châm: “Đoàn kết là hạ tầng, công nghệ là công cụ, người dân là chủ thể”. Khi tinh thần đại đoàn kết hòa quyện cùng công nghệ bình dân, chuyển đổi số trở thành hiện thực bao trùm, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi công dân. Mô hình cho thấy khi chính sách vĩ mô kết hợp sức mạnh cộng đồng, chuyển đổi số không chỉ dừng ở dữ liệu hay phần mềm mà trở thành chính sách phát triển con người.

ThS.NCS. Nguyễn Thị Hiên

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn tham khảo

Báo Chính phủ. (2025). Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực. https://baochinhphu.vn/kinh-te-so-viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-khu-vuc-102250206152332651.htm

Data Reportal. (2025). Digital 2025: Vietnam. https://datareportal.com/reports/digital-2025-vietnam


  • Cuộc đua năng lượng tái tạo ở Trung Đông - Bắc Phi: Trường hợp UAE và Morocco - Gợi ý cho Việt Nam
  • Hệ sinh thái công nghiệp 4.0, nghiên cứu trường hợp Israel và gợi mở cho Việt Nam
  • Giới thiệu sách: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • Giới thiệu sách: Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030
  • Giới thiệu cuốn sách “Khát vọng châu Á:  Tại sao và làm như thế nào để châu Phi đua theo châu Á”
  • Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam
  • Tài nguyên: Lời nguyền hay sự thịnh vượng? Nghiên cứu trường hợp Nam Phi, Nigeria, Ghana và Việt Nam
  • Giới thiệu cuốn sách: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động
  • Giới thiệu cuốn sách “Chuyện anh Mã” của Abdallah Saaf
  • Con đường thoát hạn

Liên kết website